[ad_1]

650 triệu m2 đất bỏ hoang hóa, sử dụng sai mục đích từ 2016 – 2021

Báo cáo của đoàn giám sát về thực hành tiết kiệm chống lãng phí cho biết, trong giai đoạn từ 2016 – 2021, cả nước có tới 650 triệu m2 đất bỏ hoang hóa, sử dụng sai mục đích, vi phạm pháp luật.

Chiều 24.3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bước đầu về giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 – 2021.

650 triệu m2 đất bỏ hoang hóa, sử dụng sai mục đích từ 2016 - 2021 - ảnh 1

Một dự án ở TP.Thủ Đức để đất hoang hóa nhiều năm. Đình Sơn

Báo cáo bước đầu của đoàn giám sát cho thấy, việc quản lý, khai thác, sử dụng đất đai trong thời gian qua vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Cụ thể, việc quản lý, khai thác, sử dụng đất đai kém hiệu quả, nhưng chưa được khắc phục.

Số lượng, diện tích đất đai chưa sử dụng, để lãng phí, hoang hóa hoặc sử dụng sai mục đích còn diễn ra ở hầu hết các địa phương. Bên cạnh đó, Việc thu hồi các dự án không triển khai thực hiện, chậm tiến độ chưa được thực hiện theo đúng quy định của luật Đất đai.

Báo cáo dẫn số liệu của Bộ Tài chính cho hay, giai đoạn giai đoạn 2016 – 2021 vẫn còn hơn 650 triệu m2 đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, có vi phạm pháp luật. Trong khi đó, diện tích đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa đã xử lý thu hồi là hơn 1,6 triệu m2.

Tuy nhiên, báo cáo cho hay, số tiền xử phạt vi phạm thu được lại rất nhỏ cả giai đoạn chỉ có 242.082 triệu đồng.

Báo cáo của đoàn giám sát cũng cho hay, qua báo cáo của Bộ TN-MT, tình hình thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai của cả nước từ khi ban hành luật Đất đai năm 2013 đến nay vẫn còn lớn.

Theo đó, đã thu hồi hoặc hủy bỏ 336/575 dự án, công trình với tổng diện tích 99.543,97 ha đối với dự án, công trình đã có quyết định giao, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nhưng không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ.

Báo cáo cũng cho hay, có 22 tỉnh, thành có dự án thu hồi hoặc hủy bỏ. Trong đó, TP.HCM là địa phương thu hồi dự án, công trình nhiều nhất nước với 121 dự án, công trình; thứ hai là tỉnh Lâm Đồng với 61 dự án, công trình; thứ ba là tỉnh Thanh Hóa với 24 dự án, công trình.

Đoàn giám sát cũng đánh giá, việc quản lý, khai thác, sử dụng đất nông, lâm trường còn nhiều hạn chế; phương án quản lý, sử dụng, đo vẽ, kiểm đếm để lập hồ sơ quản lý, khai thác, sử dụng đất nông, lâm trường triển khai rất chậm.

Báo cáo của đoàn giám sát dẫn báo cáo của Bộ TN-MT, trong tổng diện tích đất các công ty nông, lâm nghiệp có phương án bàn giao đất về địa phương (467.672 ha), diện tích UBND tỉnh đã có quyết định thu hồi là 237.715 ha; diện tích địa phương đã xây dựng phương án quản lý, sử dụng là 158.045 ha, trong đó phương án giữ lại chưa giao là 89.751 ha.

Lê Hiệp

Nguồn: https://vietstock.vn/2022/03/650-trieu-m2-dat-bo-hoang-hoa-su-dung-sai-muc-dich-tu-2016-2021-4222-944741.htm

[ad_2]