[ad_1]

Nhắc đến mối quan hệ mẹ con, người ta chỉ nghĩ đến một tình mẫu tử thiêng liêng và cao cả. Nhưng ít ai để ý rằng mẹ chính là người thầy đầu tiên của con. Mỗi một hành vi, mỗi một lời nói, nhất cử nhất động của mẹ đều sẽ là cơ sở hình thành nên quan niệm, tinh thần và tương lai của người con.

Có lẽ, không ai có thể phủ nhận rằng, nền giáo dục đầu tiên của con không phải ở trường ngay chính trước tiên tại gia đình. Cũng không ngẫu nhiên khi các bậc hiền triết xưa đúc kết rằng mẹ chính là người thầy đầu tiên của trẻ nhỏ, khi trong lịch sử lại có những thiên tài và vĩ nhân vang danh đến tận ngày nay đều nhờ ơn giáo dưỡng từ người mẹ.

Người thầy của thiên tài

Thomas Alva Edison (Nguồn: Internet)

Một giai thoại được kể lại từ khoảnh khắc giáo viên tiểu học của Thomas Edison viết thư cho mẹ cậu bé. Sau khi đưa thư cho mẹ, Edison hỏi bà về nội dung, mắt bà nhòe lệ khi đọc cho con từng chữ một: “Con trai bà là một thiên tài. Trường học này quá bé và không có giáo viên đủ tốt để đào tạo nó. Xin hãy để nó tự dạy chính mình”. Rồi bà bắt đầu tự tay dạy đứa con trai của mình.

Rất nhiều năm về sau, khi mẹ của Edison đã qua đời, khi ấy ông đã là một trong những nhà phát minh vĩ đại nhất thế kỷ. Trong một lần ngồi xem lại những kỉ niệm cũ của gia đình, ông vô tình đọc được dòng chữ viết trên một tờ giấy cũ kĩ trong ngăn tủ: “Con trai bà là một kẻ đần độn. Chúng tôi sẽ không để nó đến trường nữa”.

Edison đã khóc trong nhiều giờ liền, sau đó viết vào nhật ký: “Thomas Alva Edison là một đứa trẻ đần độn, nhờ người mẹ anh hùng mà trở thành thiên tài của thế kỷ”.

Theo ghi chép của Quỹ Giáo dục Kinh tế, năm 1854, thầy Reverend G. B. Engle đã miệt thị học sinh 7 tuổi Thomas Alva Edison là kẻ đần độn, tâm thần. Edison đã rời trường Port Huron, Michigan, ngôi trường chính thức đầu tiên cậu bé theo học.

Mẹ cậu, Nancy Edison, đã đưa cậu trở lại vào ngày hôm sau để thảo luận với thầy Reverend, tuy nhiên bà nổi giận với sự cứng nhắc của ông. Bà quyết định sẽ giáo dục con trai tại nhà, từ bỏ ngôi trường mà Edison mới theo học 3 tháng. Mặc dù Edison dường như có tham dự 2 trường học khác trong thời gian ngắn, song thiên tài này dành phần lớn tuổi thơ học tập ở nhà dưới sự hướng dẫn của mẹ.

Trong cuốn tiểu sử “Thomas Alva Edison: Nhà phát minh vĩ đại người Mỹ” kể lại, khi Edison nói với mẹ về việc thầy giáo gọi mình là kẻ đần độn, cả hai đã đến trường để tìm kiếm một lời xin lỗi. “Con trai tôi không đi thụt lùi, tôi tin như thế”, bà Edison nói. Bất chấp những nỗ lực của mẹ, vợ chồng ông Reverend không thay đổi suy nghĩ về học trò. Cuối cùng, bà Edison nhận ra mình nên làm gì. “Được rồi, tôi sẽ tự dạy nó ở nhà”, bà tuyên bố.

Cậu bé Edison nhút nhát đã không tin vào tai mình. Cậu nhìn mẹ, người phụ nữ đã đặt niềm tin ở mình và tự hứa với bản thân sẽ khiến mẹ tự hào. Cuối đời, Edison đã nói: “Mẹ là người tạo ra tôi. Bà khiến tôi cảm thấy có động lực sống, là người khiến tôi luôn cố gắng để không gây thất vọng”.

Người thầy của vĩ nhân: Bài học từ tấm chăn

Mạnh Tông hay còn gọi là Mạnh Nhân, người huyện Giang Hạ (huyện Hiếu Xương, tỉnh Hồ Bắc ngày nay). Ông xuất thân nghèo khổ, về sau làm đến chức quan Tư không cho nước Ngô, là trọng thần của nhà Ngô thời Tam Quốc, nhiều lần đảm nhiệm chức quan hiển hách.

Ngay từ khi Mạnh Nhân còn nhỏ, Mạnh mẫu đã bắt đầu tiến hành dạy dỗ một cách nghiêm khắc đối với con trai. Thuở nhỏ, Mạnh Nhân được mẹ gửi đến vùng Nam Dương, theo học giả Lý Túc. Trước khi Mạnh Nhân đi học, mẹ ông may cho ông một tấm chăn rất dày và rộng. Hàng xóm thấy kì lạ, khó hiểu bèn hỏi: “Con của chị còn nhỏ, sao chị may tấm chăn lớn thế?”

Mạnh mẫu mới đáp rằng: “Con trai tôi không có phẩm tính gì đặc biệt nổi trội để có thể được nhiều bạn bè kết giao. Hơn nữa, những người đi học bên ngoài phần đông đều có gia cảnh nghèo khổ, có những người thậm chí không có lấy một tấm chăn mang theo. Tôi may một tấm chăn rộng như vậy, chính là để con trai và bạn học nó đắp chung, kết giao làm bạn thân với nhau. Điều này nhất định có ích với việc học của con trai”.

Mạnh Nhân nghe xong thật sự cảm động với dụng tâm vất vả của mẹ, ông học hành hết sức chăm chỉ, ban đêm cũng thường thắp đèn đọc sách, không chịu nghỉ ngơi. Thầy giáo của ông là Lý Túc rất hài lòng, thường hay khen ngợi ông rằng: “Con quả là có tài đức của một tể tướng”.

Nhờ có sự dạy dỗ nghiêm khắc của mẹ, Mạnh Nhân đã trở thành một con người tài đức, chuyên cần, một người con hiếu thảo, một vị quan thanh liêm chính trực.

Nhờ sự dạy dỗ của mẹ, Mạnh Nhân đã trở thành một vị quan tài đức (Ảnh: Internet)

Mẹ cắt tóc đổi thức ăn cho con

Đào mẫu tên thật là Trạm Thị là mẹ của Đào Khản. Bà được xưng là một trong những lương mẫu nổi tiếng thời Trung Hoa cổ đại. Phương pháp dạy con và cách đối đãi khoan dung của bà với người khác khiến người đời sau không ngừng tán dương.

Đào Khản (259 -334) tự là Sĩ Hành, là người Tầm Dương. Ông sớm mồ côi cha từ nhỏ, gia cảnh vô cùng bần hàn. Mẹ ông đã một mình chịu đựng vất vả, dựa vào dệt vải may áo kiếm sống, nuôi con ăn học. Cũng từ đức hạnh và cách dạy con của mình mà bà được người đời tôn là “người mẹ tài đức”.

Lúc Đào Khản còn trẻ, có một hôm tuyết rơi đầy trời. Bạn của Đào Khản là Hiếu liêm Phạm Quỳ ở Bà Dương đến chơi nhà. Đào Khản bởi vì nhà quá nghèo túng, không có gì tiếp đãi bạn nên trong lòng vô cùng lo âu. Đào mẫu thấy vậy liền an ủi con trai, nói: “Con cứ lo việc giữ khách lại đi, mẹ sẽ nghĩ cách để tiếp đãi bạn con.”

Thế rồi bà lấy kéo cắt tóc của mình đem đổi lấy rượu và đồ ăn, lấy cỏ khô lót trên giường cắt nhỏ cho ngựa của Phạm Quỳ ăn. Phạm Quỳ sau khi biết được việc này, đã xúc động nói: “Chỉ người mẹ như vậy mới có thể giáo dục ra một người con nhân tài như Đào Khản!”

Việc làm “cắt tóc đổi thức ăn” để tiếp đãi bạn của con đã khắc sâu vào trong tâm trí của Đào Khản. Mặc dù cảnh nhà nghèo khó, nhưng Đào mẫu luôn dùng đạo đức tốt đẹp để đối đãi với bạn của con và mọi người. Vì thế sau này, khi đã làm quan lớn, Đào Khản vẫn luôn ghi nhớ, dùng lòng cung kính, đạo đức tốt đẹp và lễ phép để đối đãi với người khác.

Cổ nhân có câu: “Một đời mẹ không tốt, mười đời con không tốt”, để nhấn mạnh tầm quan trọng lớn lao của người mẹ đối với việc giáo dục con cái. Những người mẹ tốt có thể dùng đức hạnh của mình mà giáo hóa con cái nhân cách làm người, nhờ đó mỗi người con đã trở thành những người có phẩm chất đạo đức cao thượng, ghi danh sử sách và được hậu nhân ca ngợi đời đời.

Xem thêm

[ad_2]